Các công ty tuyển dụng yêu cầu cao, các ngành trọng điểm thiếu nhân sự, cung và cầu chênh lệch lớn,v.v… , là những vấn đề nan giải trong thực trạng thất nghiệp tại Việt Nam.
Trong khi các trường phổ thông chỉ trang bị cho học sinh những kỹ năng cơ bản đủ để làm công việc lao động chân tay, thu nhập thấp thì các trường đại học, cao đẳng lại không chuẩn bị cho họ kỹ năng để làm những công việc phức tạp hơn. Khi thu nhập tăng và ngành sản xuất cơ bản sẽ đổ về những quốc gia có giá nhân công rẻ hơn, điều này có thể đe dọa tới tham vọng của Chính phủ Việt Nam trong việc đạt được mức thu nhập trung bình – đã được Ngân hàng Thế giới xác định là thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD, hoặc gần gấp đôi so với hiện tại.
“Những quốc gia thành công trong việc tiến tới một giai đoạn kinh tế tiếp theo đã đạt trình độ học vấn của các quốc gia phát triển khi họ là những nền kinh tế có mức thu nhập trung bình” – ông Scott Rozelle, nhà kinh tế học phát triển của ĐH Stanford cho hay. “Những quốc gia không làm được việc này đã sụp đổ hoặc bị mắc kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình”.
Ông Rozelle nhận định Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã phát triển các trường đại học chất lượng cao trước khi nền kinh tế của họ cần một lực lượng lao động có chất lượng cao hơn. Ngược lại, những nền kinh tế như Argentina, Brazil và Mexico chững lại sau khi đạt được mức thu nhập trung bình, một phần là vì sự đầu tư không đầy đủ trong giáo dục.
Sinh viên đại học thường phải học nhiều môn chính trị trong 2 năm đầu tiên, thay vì tư duy phản biện và các kỹ năng khác được yêu cầu bởi các công ty tuyển dụng. Kết quả là: các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự không muốn trả thu nhập cao hơn cho những lao động có bằng cấp nhưng lại thiếu kỹ năng tương xứng – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay. Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ có bằng đại học là 17%.
Áp lực
“Có những công ty tuyển dụng nhân sự từ tư nhân đến nước ngoài tới để săn tìm những lao động, quản lý chất lượng và kỹ sư có kỹ năng tốt hơn” – ông Nguyễn Xuân Thành, cán bộ nghiên cứu cao cấp tại Trường Harvard Kennedy, ĐH Harvard, cho biết. “Tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng. Các gia đình Việt Nam muốn có một nền giáo dục tốt hơn. Vì thế áp lực đè lên vai hệ thống chính trị”.
Ngày càng nhiều phụ huynh gửi con sang nước ngoài học tập nhằm cải thiện triển vọng nghề nghiệp. Theo số liệu từ Tổ chức Dịch vụ sinh viên Nhật Bản, số sinh viên Việt Nam đang học tập ở quốc gia này, tính cả các trường dạy tiếng, đã tăng gấp 12 lần trong vòng 6 năm tính từ tháng 5/2016, đạt con số 54.000 du học sinh.
Các nhà chức trách thừa nhận thách thức
“Chính phủ đang cố gắng cải thiện chất lượng đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng” – ông Nguyễn Minh Thuyết, người chịu trách nhiệm giám sát chương trình phổ thông mới của Bộ GD-ĐT, chia sẻ. “Chúng tôi cần phải cải tổ lại chương trình giảng dạy nhằm giảm bớt những kiến thức thiếu thực tế. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn còn đang rất chậm. Chưa làm được gì nhiều”.
Tỷ lệ đọc viết
Trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam đã tăng số lượng trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước lên khoảng 450 trường. Chính phủ đang lên kế hoạch có khoảng 560.000 sinh viên học đại học, cao đẳng vào năm 2020 – tăng khoảng 10% trong vòng 10 năm.
Mặc dù tỷ lệ biết đọc biết viết của Việt Nam là 97%, song chỉ có 1/3 lao động Việt Nam tốt nghiệp phổ thông vào năm ngoái – đây là số liệu từ Viện Khoa học và Lao động xã hội.
Trong giai đoạn phát triển này, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh ngay cả khi năng suất lao động thấp. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng sẽ vượt quá 6% cho tới năm 2019. Tuy nhiên, khi nói đến việc tận dụng tối đa lực lượng lao động thì Việt Nam vẫn còn kém xa so với các nước láng giềng trong khu vực.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có năng suất công nghiệp yếu nhất trong ASEAN. Singapore cao hơn Việt Nam tới 26 lần, Malaysia gấp 6,5 lần, trong khi Thái Lan và Philippines gấp 1,5 lần.
Các chương trình mới
Có một số lý do để lạc quan. ĐH Fulbright Việt Nam - trường đại học phi lợi nhuận, độc lập đầu tiên được Chính phủ phê duyệt - đã nhận được kinh phí ban đầu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ khai giảng vào mùa thu năm nay. Bà Đàm Bích Thủy, hiệu trưởng nhà trường cho biết ở ĐH Fulbright, chủ nghĩa Mác sẽ được dạy giống như ở các trường đại học phương Tây, cũng với các triết gia khác như Hegel và Kant.
Các doanh nghiệp cũng đang cung cấp thêm những chương trình giáo dục bổ sung để người lao động tăng tốc. FPT – một trong những tập đoàn viễn thông và công nghệ lớn nhất Việt Nam – đã có những cơ sở giáo dục trên khắp cả nước cho khoảng 20.000 học sinh phổ thông, sinh viên đại học, cao đẳng. Intel – tập đoàn đang phát triển một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp ở TP.HCM – cũng đã cam kết chi 22 triệu USD cho một số chương trình.
Tuy nhiên, với những vướng mắc trong hệ thống Nhà nước, giáo dục có thể là “sự lãng phí thời gian và tiền bạc lớn” - ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội nhận định.
“Nhiều sinh viên tốt nghiệp thiếu những kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm và các kỹ năng tổ chức để làm việc trong các doanh nghiệp. Điều này cũng đang kìm chân nền kinh tế” - ông Tuấn nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét