Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Người lao động chịu thiệt vì cách tính lương của doanh nghiệp

Việc tính lương và quản lý tiền lương của nhiều công ty hiện nay khiến nhiều người lao động thắc mắc về mức độ hợp lý. Cụ thể, các khoản tiền khác phát sinh bên cạnh lương chính thức chênh lệnh nhau khá nhiều.
Nhiều NLĐ cho biết tiền lương và phụ cấp lương trong tháng rất cao, nhưng tiền trích đóng BHXH lại thấp chỉ bằng một nửa hoặc bằng 1/3 tổng mức thu nhập. Điển hình là trường hợp chị B.H, đang làm việc tại một công ty TNHH ở TPHCM với vị trí chuyên viên Phòng bán hàng. Tháng 10/2014, chị H ký HĐLĐ không xác định thời hạn với mức lương chính là 22 triệu đồng/tháng.
Đầu năm 2016, để giảm chi phí đóng BHXH, Công ty đã thanh lý hợp đồng với tất cả nhân viên và ký lại hợp đồng mới. Theo HĐLĐ mới, tổng thu nhập mỗi tháng của chị H vẫn là 22 triệu đồng, nhưng mức lương chính chỉ còn 5 triệu đồng/tháng. Số tiền còn lại được Công ty cho vào các khoản phụ cấp khác như: hiệu quả công việc 1 triệu đồng; trách nhiệm 500 nghìn đồng, thưởng doanh số 8 triệu đồng...
Theo chị H, khi ký hợp đồng nhìn vào khoản thu nhập chung là 22 triệu đồng nên không để ý, đến khi sinh con, làm thủ tục nhận chế độ thai sản mới thấy bị thiệt thòi quá lớn. Theo giải thích của chị H, tổng số tiền thai sản chị nhận được chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng, thấp rất nhiều so với đồng nghiệp làm cùng vị trí.
“Đồng nghiệp tôi nhận chế độ thai sản cao gấp 5 lần tôi. Khi hỏi ra, tôi mới biết, khi ký hợp đồng lại với Công ty, đồng nghiệp tôi đã kiên quyết yêu cầu Phòng Nhân sự không được chia nhỏ lương ra nhiều khoản mà phải đóng BHXH đúng theo tổng thu nhập”, chị H bức xúc.
Anh N.V.Đ - nhân viên làm công nghệ thông tin tại một Công ty game ở quận 3, TPHCM ký HĐLĐ và làm việc cho Công ty từ năm 2008, mức lương hiện tại là 13 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương dùng làm căn cứ đóng BHXH ghi trong HĐLĐ chỉ 4,2 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền còn lại bị Công ty chia nhỏ thành nhiều khoản như: Lương khuyến khích, thưởng thi đua tùy theo tình hình của Công ty, phụ cấp trách nhiệm - chức vụ, giao dịch, ăn trưa…
Mới đây, khi Công ty thanh lý hợp đồng với một số nhân viên, anh Đ thuộc diện phải nghỉ việc. Sau đó, khi đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh Đ mới nhận ra việc Công ty chi nhỏ tiền lương và đóng BHXH cho anh ít đi, khiến mức trợ cấp thất nghiệp của anh chả đáng là bao.
“Mỗi tháng tôi chỉ nhận được trợ cấp là 60% mức lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (mức lương làm căn cứ nhận trợ cấp thất nghiệp của anh chỉ là 4,2 triệu đồng). Trong khi, cũng cùng vị trí, cùng công việc và mức thu nhập như nhau, song đồng nghiệp của tôi lại được nhận mức cao hơn, gấp 5 lần vì kiên quyết không cho Công ty chia nhỏ lương”, anh N.VĐ nói.
Hiện nay, đang tồn tại một thực tế là, khi xây dựng thang, quản lý tiền lương, các doanh nghiệp đã tách lương của NLĐ thành nhiều khoản như: Mức lương cơ bản, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bổ sung khác; song khi đóng BHXH thì chỉ căn cứ trên mức lương cơ bản để giảm chi phí, dẫn đến mức hưởng của NLĐ bị thấp đi.
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động tiền lương (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) cho biết, nhiều doanh nghiệp dùng “chiêu” xây dựng thang, bảng lương nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản để trốn đóng BHXH. Cá biệt, nhiều doanh nghiệp quy định tiêu chuẩn nâng lương, điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng và cách thưởng hằng tháng, quý, năm rất phức tạp, khiến NLĐ khó theo dõi và giám sát thực hiện.
Theo ông Năm, ở nhiều doanh nghiệp đang tồn tại 3 loại lương gồm: Lương tham gia BHXH, lương quyết toán thuế, lương thực chi cho NLĐ. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra chính sách quan ly tien luong đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc chấp hành quy định về thang, bảng lương trong các doanh nghiệp chưa cao; thực tế có xây dựng, nhưng không áp dụng hoặc áp dụng không đúng…

Trong khi đó, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tình trạng doanh nghiệp chia nhỏ lương của NLĐ để trốn đóng BHXH không phải bây giờ mới diễn ra mà đã có từ lâu. Để tiết giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp cố tình chia nhỏ lương của NLĐ. “NLĐ khi ký hợp đồng cứ nghĩ mình thu đủ lương nên không quan tâm. Chỉ đến khi có sự cố mới biết mình bị ảnh hưởng do doanh nghiệp nộp BHXH không đúng với thu nhập của mình. Để tránh bị thiệt thòi, không còn cách nào khác là NLĐ phải tìm hiểu kỹ pháp luật và tự bảo vệ mình”, ông Lợi nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét